KHI NIỀM TIN TỎA SÁNG
Gần một nửa chặng đường năm học 2024-2025 đã qua, đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Trường Đại học Nha Trang trên mọi lĩnh vực. Từ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn đến các hoạt động môi trường, thể thao, du lịch, văn hóa, và nghệ thuật…, tất cả đều ghi dấu ấn rực rỡ. Những thành công này là kết quả của sự đồng lòng, đoàn kết và cống hiến không ngừng nghỉ của tập thể viên chức, người lao động trong toàn trường, tạo nên sức hút mạnh mẽ và vị thế ngày càng vững chắc.
(Ảnh: Báo Nhân Dân)
Dù đã nghỉ hưu, tôi vẫn dõi theo từng bước phát triển của Nhà trường với niềm tự hào và hạnh phúc. Không khí thân tình, ấm áp dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua còn đọng lại, niềm vui lại nhân lên khi được biết một viên chức của Trường đạt giải cao nhất (Giải A) tại cuộc thi Viết về cây di sản Việt Nam – một sự kiện quốc gia mang ý nghĩa to lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhân vật tôi muốn nhắc đến là chị Ngô Thị Quỳnh Châu, viên chức Phòng Thanh tra Pháp chế. Chị không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn mà còn dành thời gian rảnh rỗi để âm thầm nghiên cứu, viết bài dự thi suốt nhiều tháng liền. Chỉ đến khi phải xin phép đi nhận giải, chị mới tiết lộ kết quả đáng tự hào với đồng nghiệp.
Chị Ngô Thị Quỳnh Châu – đại diện nhóm tác giả đạt giải A phát biểu.
(Ảnh: Tin nhanh môi trường Việt Nam)
Tôi có cơ hội đọc bài dự thi của chị – Món quà tháng Ba, một tác phẩm dài 21 trang với lối viết chân thực, sinh động và chặt chẽ. Nội dung xoay quanh cây hoa gạo ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình – cây di sản đầu tiên của tỉnh nhà. Từng câu chữ trong bài viết đều thấm đẫm niềm tự hào và tình yêu quê hương, khiến tôi không khỏi xúc động. Hình ảnh cây hoa gạo với sắc hoa cam hiếm thấy được miêu tả đầy sống động và hấp dẫn qua cách chọn lọc, trình bày hình ảnh tinh tế, khiến người đọc khó lòng rời mắt.
Cuộc thi Viết về cây di sản Việt Nam 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường là đơn vị tổ chức thực hiện từ tháng 3/2024 đến tháng 9/2024, thu hút hơn 400 bài dự thi của tác giả/nhóm tác giả khắp cả nước. Trong số 25 giải thưởng được trao, chỉ có ba giải A, và chị Quỳnh Châu là tác giả không chuyên duy nhất, bên cạnh hai nhà báo kỳ cựu Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân) và Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
Ban đầu, có lẽ chị tham gia cuộc thi để thỏa đam mê, muốn giới thiệu một di sản quê hương ngoài hệ thống hang động nổi tiếng thế giới của tỉnh nhà. Nhưng với tinh thần cầu tiến, thái độ nghiêm túc và trách nhiệm cao, chị đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo và bạn đọc. Thành công này không chỉ mang lại niềm vui cho chị mà còn là niềm tự hào lớn của Trường Đại học Nha Trang.
Một lần nữa, chị Ngô Thị Quỳnh Châu đã chứng minh rằng, khi có niềm tin vào chính mình, bất cứ ai cũng có thể tỏa sáng theo cách rất riêng, như một hạt ngọc lấp lánh giữa đời thường.
Tác giả: Dương Thị Thanh Huyền - Cựu giáo chức Trường ĐH Nha Trang