Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Du lịch, giai đoạn 2023-2025
Thực trạng nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Du lịch trong giai đoạn 2023-2025.
Trường Đại học Nha Trang với hơn 65 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực thủy sản. Hiện nay, Nhà trường đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt chú trọng gắn kết với các lĩnh vực thuộc kinh tế biển. Trong số đó, ngành du lịch, là một ngành còn mới đang từng bước phát triển mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn, góp phần xây dựng lợi thế cạnh tranh và củng cố thương hiệu bền vững cho Nhà trường.
Việc nghiên cứu khoa học của sinh viên là một hoạt động bổ ích giúp sinh viên có cơ hội đào sâu các kiến thức lý thuyết đã học, tiếp cận các vấn đề thực tiễn trong ngành du lịch, từ đó củng cố và mở rộng hiểu biết về chuyên ngành. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu sinh viên sẽ có cơ hội hình thành tư duy logic, khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp cho những vấn đề thực tiễn trong du lịch. Điều này làm tiền đề tạo nên một nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành Du lịch hiện nay.
Bảng 1. Kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Du lịch, giai đoạn 2023 - 2025
STT |
Chỉ tiêu |
2023 |
2024 |
2025 |
1 |
Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (đã nghiệm thu) |
3 |
|
4 |
2 |
Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (đang thực hiện) |
- |
2 |
2 |
3 |
Bài báo đăng Tạp chí quốc tế |
- |
- |
- |
4 |
Bài báo đăng Tạp chí chuyên ngành trong nước |
1 |
2 |
2 |
5 |
Báo cáo trình bày Hội thảo quốc tế |
- |
3 |
1 |
6 |
Báo cáo trình bày Hội thảo quốc gia/ngành/trường |
- |
1 |
2 |
7 |
Báo cáo trình bày Hội thảo cấp Khoa/Bộ môn |
2 |
- |
2 |
8 |
Giấy khen Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ Việt Nam đạt giải khuyến khích Hội thảo khoa học quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”. |
- |
1 |
- |
9 |
Giải nhất sinh viên NCKH cấp Trường “Đánh giá cảm nhận của người khuyết tật đối với khả năng tiếp cận của công trình công cộng tại tỉnh khánh hoà”. |
- |
1 |
- |
Nguồn: Tổng hợp báo cáo hoạt động NCKH của sinh viên Khoa Du lịch
Bảng 1 cho ta thấy trong giai đoạn 2023-2025, có 7 đề tài đã được nghiệm thu và 2 đề tài còn đang trong quá trình thực hiện. Các đề tài đã nghiệm thu đều được đánh giá đạt kết quả tốt. Trong quá trình triển khai nghiên cứu, các nhóm sinh viên đã công bố các kết quả nghiên cứu thông qua các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, cũng như trình bày tại các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như sau: (1) Ý định lựa chọn loại hình du lịch; (2) Nhu cầu tiếp cận du lịch của người khuyết tật tại các cơ sở lưu trú; (3) Cảm nhận của người khuyết tật đối với các công trình công cộng; (4) Sự hài lòng của sinh viên khoa Du lịch đối với các học phần tiếng Anh; (5) Hành vi tiêu dùng xanh của khách du lịch; (6) Ý định quay trở lại của khách du lịch; (7) Ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành du lịch; (8) Hoạt động du lịch có trách nhiệm của khách du lịch nội địa; và (9) Ý định lựa chọn các điểm du lịch xanh của khách quốc tế.
Đặc biệt, các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bước đầu đã được ghi nhận ở tầm quốc gia và Nhà trường. Nhóm sinh viên NCKH của Khoa đã đạt được giải khuyến khích sinh viên NCKH tại Hội thảo khoa học quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Đồng thời, đề tài NCKH “Đánh giá cảm nhận của người khuyết tật đối với khả năng tiếp cận của công trình công cộng tại tỉnh Khánh Hoà” đã đạt được giải nhất cuộc thi sinh viên NCKH cấp Trường năm 2024.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Du lịch đang ngày càng được quan tâm, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn tồn tại song song cả thuận lợi và khó khăn. Về phía sinh viên, lợi thế lớn nhất là tính thực tiễn cao của ngành học cùng cơ hội tiếp cận đa dạng với các nguồn tài liệu phong phú, đặc biệt tại các điểm đến du lịch và doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Tuy vậy, sinh viên còn gặp không ít thách thức như hạn chế về mặt kiến thức, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng xử lý dữ liệu và thời gian thực hiện. Đối với giảng viên, việc hướng dẫn sinh viên NCKH góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết giữa giảng dạy - nghiên cứu, song cũng đặt ra áp lực lớn về mặt thời gian và yêu cầu chuyên môn cao trong việc đồng hành cùng sinh viên từ khâu chọn đề tài đến hoàn thiện công trình. Về phía Khoa, phong trào NCKH là công cụ hiệu quả để phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, song cũng đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực, sự hỗ trợ và hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiêp.
Trong thời gian tới để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, Khoa Du lịch cần xây dựng những chiến lược dài hạn, tiếp tục đổi mới, cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng giảng dạy gắng liền với thực tiễn và góp phần định hướng để trở thành trường Đại học định hướng ứng dụng trong phát triển kinh tế biển của Nhà trường. Hơn nữa sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực, cơ chế khuyến khích và liên kết với doanh nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động NCKH được thực hiện hiệu quả.